Cách đây 20 năm, ngày 8/12/1991, các nhà lãnh đạo Nga,
Belarus và Ucraina tại khu rừng nghỉ dưỡng Belovezh, cộng hòa Belarus đã tập
trung lại và ký kết Hiệp ước huyền thoại “Về việc thành lập Cộng đồng các quốc
gia độc lập” (SNG) đánh dấu chấm hết cho sự sụp đổ Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Xô viết (gọi tắt là Liên Xô). Nhân dịp 20 năm ngày đáng nhớ này, các phương
tiện thông tin đại chúng Nga đã hé lộ những kỷ yếu chính thức những sự kiện đó
và công bố những câu chuyện của những chứng nhân lịch sử mà dư luận chưa từng
biết về cuộc gặp lịch sử của Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Chủ tịch Xô viết Tối
cao Belarus Stanislav Shushkevich và Tổng thống Ucraina Leonid Kravchuk tại khu
điền trang Viskuli.
Cựu giám đốc khu điền trang trong bài trả lời phỏng vấn “Báo
Nga” đã bác bỏ huyền thoại rằng Hiệp ước được 3 nhà lãnh đạo ký kết trong hoàn
cảnh “say mềm”. Còn cựu nữ thư ký, người từng được mệnh danh là “người đàn bà
làm cho Liên Xô sụp đổ” kể rằng bà đã sử dụng chiếc máy tính cũ kỹ hiệu “Optima”
ghi lại nội dung cuộc đàm phán của ba nhà lãnh đạo và cả văn bản của Hiệp ước
này.
Trước thềm kỷ niệm ngày lịch sử này, các nhà xã hội học Nga
đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận và kết quả cho thấy là đa số người Nga đều
cho rằng đã có thể tránh được sự sụp đổ của Liên Xô, một số người được hỏi còn
ủng hộ việc khôi phục lại Liên bang như cũ.
Những tư liệu chính thức
Tạp chí
“Vlast” (Chính quyền) nhận định rằng trong Hiệp ước
nêu trên chỉ rõ “Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết” là một chủ thể
luật pháp quốc tế và thực tiễn địa chính trị đã chấm dứt sự tồn tại của mình”.
Chính câu viết này sau đó là lý do để lên án ba nhà lãnh đạo làm sụp đổ Liên Xô.
Tạp chí khẳng định trên thực tế ba nhà lãnh đạo chỉ tổng kết kết quả quá trình
không thể đảo ngược được bắt đầu từ cuối nhăng năm 1980 của thế kỷ trước.
Tờ báo
“Vedomoct” (Tin tức) nhận định “Liên Xô sụp đổ là do
thời kỳ hỗn mang chính trị kết hợp với sự tích tụ vô vàn những vấn đề xã hội và
kinh tế không được giải quyết từ nhiều năm để lại”. Một bộ phận lớn giới chức
lãnh đạo trong Bộ Chính trị và Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô do
Gorbachev cải tổ bị lâm vào tình trạng đứng ngoài cuộc sống thực tại, không muốn và
không thể dự báo được những quá trình chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh như
thế, lãnh đạo ba nước Slavơ chỉ còn mỗi một việc là đánh dấu cái chết cho một
quốc gia và một thể chế quan liêu không còn khả năng hoạt động.
Những dấu hiệu đáng lo ngại cho sụp đổ sau này đã xuất hiện
trong giai đoạn của cái gọi là “duyệt binh chủ quyền” từ năm 1988 đến năm 1990.
Tháng 3 năm 1990, đầu tiên là Cộng hòa Litva tuyên bố độc lập. Ban lãnh đạo Liên
Xô đã tìm mọi cách để cứu vãn khỏi sự tan rã, nhưng vô ích.
Ngày 17/3/1991 tại
Liên Xô đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý toàn Liên bang, theo đó 76,4% dân số
tán thành “việc duy trì Liên Xô là một Liên bang đổi mới của
các nước cộng hòa
có chủ quyền”. Các nước cộng hòa như Ban tích, Mondova, Armenia và Gruzia đã
phong tỏa cuộc trưng cầu này.
Tháng 4/1991 Gruzia tuyên bố ra khỏi thành phần
Liên Xô. Cũng trong tháng 4, Tổng thống Liên Xô Gorbachev trong cuộc gặp với
lãnh đạo 9 nước cộng hòa còn lại đã quyết định chuẩn bị một Hiệp ước liên bang,
theo đó thành lập Liên bang các nước cộng hòa có chủ quyền (SSG). Tuy nhiên việc
ký kết hiệp ước này đã bị cuộc chính biến của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn
cấp (GKChP) phá tan.
Từ thời điểm đó đất nước lao nhanh xuống dốc theo đà sụp đổ.
Tháng 8/1991 Estonia, Latvia, Ucraina, Belarus, Mondova, Uzbekistan và Kirgizia
cùng đồng thanh tuyên bố độc lập. Tháng 9/1991, theo quyết định của Xô viết Tối
cao Tajikistan và Armenia cũng tuyên bố độc lập. Theo sau đó là Azerbaijan và
Turmenia.
Ngày 25/11/1991 tại khu nhà nghỉ Novo-Ogarevo, ngoại ô
Matxcova, người ta lại cố gắng khôi phục lại ký kết Hiệp định về việc thành lập
Cộng đồng các quốc gia có chủ quyền (SSG) và dự định sang tháng 12 sẽ ký kết.
Ngày 1/12/1991, chính quyền Ucraina trên cơ sở trưng cầu dân ý đã thông qua
tuyên bố độc lập. Tổng thống Nga Boris Yeltsin phản ứng lại sự kiện này bằng
việc tuyên bố rằng “nếu thiếu Ucraina, thì Hiệp ước liên bang chẳng còn ý nghĩa
gì hết”. Cho đến thời điểm nay Nga và Kazakhstan vẫn chưa tuyên bố độc lập.
Ngày 8/12/1991, tại khu rừng nghĩ dưỡng Belovezh (Belarus),
Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Tổng thống Ucraina Leonid Kravchuk và Chủ tịch Xô
viết Tối cao Belarus Stanislav Shushkevich đã ký kết Hiệp ước Belovezh và ngay
ngày 10 – 12/12/1991 Hiệp ước này đã được phê chuẩn. Ngày 21/12/1991 Azerbaijan,
Armenia, Kazakhstan, Kirgizia, Mondova, Tajikistan, Turmenia và Uzbekistan đã
tham gia Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Gruzia là thành viên của SNG từ
năm 1993 đến 2009.
Ngày 25/12/1991 Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố
từ bỏ quyền hạn, còn trên đỉnh Điện Cremlin thay vì ngọn cờ đỏ búa liềm là ngọn
cờ ba màu đỏ xanh trắng của Nga được treo lên.
Theo vietnamnet