---------------------------------------------------------

Chào mừng bạn đến với diễn đàn Công Nghệ Thông Tin CK08 Ca Mau Community College.
Hy vọng diễn đàn sẽ là nơi giao lưu học hỏi và chia sẽ niềm đam mê tri thức.
Chúc bạn một ngày an lành và vui vẻ và luôn thành công trong cuộc sống.
################################
---------------------------------------------------------

Chào mừng bạn đến với diễn đàn Công Nghệ Thông Tin CK08 Ca Mau Community College.
Hy vọng diễn đàn sẽ là nơi giao lưu học hỏi và chia sẽ niềm đam mê tri thức.
Chúc bạn một ngày an lành và vui vẻ và luôn thành công trong cuộc sống.
################################
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
Top posters
Admin
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
haivip.info
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
truyenITPro
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
nguyendil
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
pccamau
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
devil
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
lptho42
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
huynhanh90
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
dosongnguyen
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
ltvvbdn
Khúc Nam Ai tiếp theo Vote_lcapKhúc Nam Ai tiếp theo Voting_barKhúc Nam Ai tiếp theo Vote_rcap 
Top posting users this week
No user
Top posting users this month
No user
Liên Hệ Admin

 

 Khúc Nam Ai tiếp theo

Go down 
Tác giảThông điệp
haivip.info
Administrotor
Administrotor
haivip.info


Tổng số bài gửi : 258
Join date : 08/08/2010
Age : 33

Khúc Nam Ai tiếp theo Empty
Bài gửiTiêu đề: Khúc Nam Ai tiếp theo   Khúc Nam Ai tiếp theo Icon_minitimeSat Sep 18, 2010 7:58 pm

Những con đường tráng nhựa rộng lớn khác biệt con đường đất gồ ghề, lồi lõm. Những dãy nhà quét vôi trắng xóa, khang trang. Có cái cao hai ba tầng như hình vẽ trong sách. Những chiếc xe gắn máy chạy nhanh. Những đứa trẻ quần áo chỉnh tề, sang trọng. Thị tứ tấp nập người mua bán. Trừ những lều chợ cũng bằng phên tre là quen thuộc, còn tất tất đều lạ mắt, rầm rộ. Những cánh đồng lúa xanh đã khuất bóng ở dãy nhà san sát đầu kia. Mặt trời buổi chiều đã khuất đâu đó. Ánh nắng rải trên mặt, trên nóc ngôi nhà lầu cao màu vàng nhợt nhạt.
Tôi như ngây ngây trước quang cảnh lạ mắt đó. Chiếc xe lam cũ kỹ của chúng tôi trông nghèo nàn già cỗi cạnh những chiếc xe lam khác đậu ngang dọc ở bên chợ. Nước sơn đã tróc, vài chỗ sét rỉ, móp mép. Đất đỏ, bùn đen bết bát trên thành xe, nhất là trên vành bánh xe càng trông càng bẩn. Bảng hiệu Hưng Liên mà ba tôi kẻ bằng nước sơn màu đỏ đã phai màu, đứng gần mới đọc được. Còn những chữ nhỏ hơn để tên các đào kép chính trong đoàn ca kịch Hưng Liên đã phai mất từ lúc nào. Mẹ tôi đã rảo vào trong chợ để tiêu nốt số tiền còn lại ít ỏi cho bữa cơm tối. Ba tôi dặn bác Tư và bác Bảy về những việc phải làm đêm nay. Tôi rỗi rãi nhất, xuống xe, đi loanh quanh ngắm chợ. Vài đứa bé ăn mặc lam lũ, vai mang thùng lớn lởn vởn quanh xe của chúng tôi nhìn ngắm với vẻ ngạc nhiên.
- Hiệp, đừng có đi đâu xa nghe, mẹ mìn bắt cóc đó.
- Dạ.
Đây là câu dặn dò đầu tiên của ba tôi với tôi về những bàn chân thích chạy biến của tôi. Ở cái chỗ đông người, ba tôi cẩn thận là phải. Chúng tôi đã rời làng xã để ra quận. Ba tôi hy vọng là dân chúng bình dân ở đây sẽ có tiền và có đủ tinh thần để nghe hát. Ít ra, chúng tôi cũng kiếm được cơm cháu sống qua ngày. Chớ ở trong các xã xa, ba tôi chịu. Buổi tối, đâu còn ai dám ra đường, hát xướng cũng không ai thèm xem. Chưa bao giờ chúng tôi dám ra những nơi đông đảo, thị tứ để phô trương đoàn hát của mình, một nhóm người hát dạo thì đúng hơn. Bác Tư đã rời ba tôi để lên xe lục kiếm một vật gì đó. Tôi lò dò đến gần hỏi bác:
- Bác Tư à, tối nay mình hát ở đâu há.
- Ở trong kia.
- Trong kia là ở đâu chớ bác nói vậy ai mà hiểu được.
- Chút nữa rồi biết. Con nít đừng có lộn xộn, để người lớn bàn chuyện.
Bác Tư đã lấy được cuốn tuồng hát. Bác bỏ tôi đứng bực tức vì óc tò mò chưa được thỏa mãn.
Cho đến lúc má tôi từ chợ đi ra thì cái nhóm ba người ba tôi, bác Tư, bác Bảy mới chấm dứt "cuộc họp". Nhưng cũng không để trễ một giây phút nào, ba tôi ra hiệu cho mọi người lên xe hết. Mẹ tôi trao cho tôi một trái chuối chiên nóng hổi. Mải ăn ngon, khi nhìn lên thì ngạc nhiên xiết bao, xe của chúng tôi đã chạy ra khoảng đồng trống. Hai bên gió mát rượi. Và đằng mãi xa, mặt trời đỏ như một cái mâm đồng chói lọi. Tôi hỏi, ngạc nhiên:
- Mình vô xã lại hả mẹ?
Bác Tư trả lời:
- Vô xã làm cái gì ở trỏng?
- Sao mình không hát ở chợ?
Bác Tư cười khẩy:
- Ma nó thèm coi tao với ba mầy hát cải lương. Ở đó họ coi Bạch Tuyết, Hùng Cường, Phượng Liên, Thanh Nga, chớ coi gì Tư Tình, Bảy Viễn, Thành Hưng, Kim Liên.
Mẹ tôi làm thinh thở dài. Bác Tư cũng im luôn. Tôi cũng không dám hỏi trước vẻ mặt khép kín của mọi người. Ba tôi rẽ xe theo một con lộ nhỏ men hai bờ ruộng thấp. Những lũy tre tàng cây xanh um đàng trước mặt. Lúa xanh rờn uốn éo trong gió chiều. Mùi lúa thơm thơm quen thuộc. Một vài ngôi nhà sạch sẽ khang trang ở đầu xã. Rồi những dãy nhà kế tiếp nhau mà không thưa thớt. Nhìn hàng lô con nít rong chơi hai bên đường, mẹ tôi chép miệng:
- Cứ nội cái tụi loi choi này coi cũng được bộn bạc.
- Xã này chắc làm ăn được.
Ba tôi nói vọng về phía sau:
- Xã nào gần quận cũng giàu có lây. Để kiếm chỗ đất trống. Thằng Hiệp đâu, lấy cái trống vỗ vỗ để người ta chú ý.
Mẹ tôi vội vã lôi chiếc trống nhỏ ra. Tôi lấy hai cái que bắt đầu vỗ thùng thùng. Trong khi ba tôi cho xe đi thật chậm, những người đứng trước cửa nhà lạ lùng nhìn. Một đám học trò, tay còn xách cặp la lên:
- Đoàn cải lương tụi bây ơi.
Nhiều đứa trẻ đang chơi ở trong sân, nghe la, vội chạy ra nhìn một thoáng. Một đứa chạy theo reo inh ỏi, hai đứa chạy theo rồi một lũ con nít nhao nhao chạy theo. Tiếng trống của đoàn càng lúc càng giòn. Một đứa trẻ, vai tòn ten cái cặp sách bám được vào thành sau xe đang cố đặt chân lên tấm ván hờ nhô ra đằng cuối. Mẹ tôi la lên:
- Đừng chạy theo xe, xe cán giập ruột đó.
Nhưng đứa trẻ không nghe, miệng vẫn cười toe toét. Nó đã đu được cả hai chân. Và đang thả một tay vẫy vẫy, tụi trẻ con chạy theo. Một vài đứa khác muốn bắt chước. Ba tôi cho xe chạy nhanh hơn để vượt tụi nhỏ. Chúng vừa chạy vừa la. Riêng tôi lòng phấn khởi vui vui, đập trống liên hồi. Một đám đất trống, bãi cỏ tươi xanh nằm cạnh miếng ruộng tiếp giáp những đám ruộng khác. Ba tôi cho xe vòng một vòng rộng để kiếm chỗ tốt. Xe vừa đậu lại, tụi trẻ con cũng theo kịp. Chúng vòng quanh chiếc xe, tò mò nhìn chúng tôi, ngắm nghía những rương đựng đồ tuồng, phấn son, những tấm phông đơn sơ bạc phếch mắc trên mui xe. Vài đứa lẩm nhẩm đánh vần, cố đọc cho ra những nét chữ mờ ở hông xe.
- Đoàn Hưng Liên tụi bây ơi.
Một đứa nhòm vào xe hỏi tôi:
- Có Thành Được, Út Bạch Lan hông hả nhỏ? Mầy đóng vai nào?
Bác Bảy xua xua tụi nhỏ để lấy chỗ bước xuống xe.
- Đứng xa xa ra mấy em, để làm sân khấu tối coi.
Tôi bước xuống xe, phụ bác Bẩy vác mấy cái rương nặng chịch xuống xe. Đứa nhỏ lúc nãy bu cứng vào thành xe vứt cặp khênh hộ. Không thấy bác Bảy nói gì, vài đứa khác cũng bắt chước vứt cặp chạy lại.
Ba tôi khênh nốt mấy tấm phông vải xuống, vừa thở vừa nói với tụi nhỏ:
- Mấy cháu về nhà ăn cơm cho sớm rồi bảy giờ thưa với ba má lại đây xem cải lương. Mấy chú diễn tuồng "Nợ nước thù nhà". Hay lắm. Nghe !
Tụi nhỏ chộn rộn một phút. Có đứa bỏ về, có đứa đứng lại. Một đứa chỉ vào tôi hỏi:
- Chú, chú, anh này ảnh có ca cải lương hông chú?
Mẹ tôi cười xòa:
- Ừa, chút nữa coi thì biết. Về ăn cơm sớm đi. Nhớ rủ bạn bè tới coi nghe.
Tụi nhỏ bỏ chạy về nhà. Một lát sau, bãi cỏ trống chỉ còn lại chúng tôi. Bác Tư nói:
- Chèn ơi, không đình, hát trống không vậy há?
Ba tôi cười:
- Hát đây rồi mình thu tiền ai đứng coi, có nhiều lấy nhiều, có ít lấy ít. Nhưng, cái điệu nầy, ngó bộ mình được bộn bạc đây. Đỡ khổ.
Tôi nói với:
- Có tiền, mai ba cho con tô hủ tiếu nghe ba.
Ba tôi gật đầu:
- Được nhiều tiền, mai mua con gà cúng tổ.
Vài ba người làm ruộng trở về tò mò đưa mắt nhìn chúng tôi.
Gặp ai ba tôi cũng mời đến xem diễn tuồng. Gặp vài người vui tính ba tôi còn vời lại nói chuyện trong lúc bác Tư, bác Bảy dựng mấy cây cột treo mấy tấm phông. Chúng tôi dựng sân khấu trong sự thiếu thốn mọi bề. Nhưng những gánh hát dạo như chúng tôi phải biết biến ứng tùy theo hoàn cảnh. Gặp phải đình làng hoặc phòng khánh tiết của xã, chúng tôi cũng cực nhọc như giăng những phông màn ở giữa đồng trống. Cái xe được dùng làm hậu trường sân khấu. Ba cái cột đóng ba góc, cái xe trở thành cái cột thứ tư nằm về phía đầu gió. Những sợi dây vắt ngang chắc chắn treo tấm màn vải nu đã vá nhiều chỗ. Mấy cái phông sơ sài dựng được nhờ những nhánh chĩa. Chiếc đèn măng sông được bơm sáng treo lửng lơ. Vậy là xong. Bác Bảy thử lại dây đờn. Chúng tôi bắt đầu sửa soạn hóa trang. Hôm nay diễn tuồng xã hội nên hóa trang không tốn công và cực khổ nhiều. Tôi mặc chiếc áo cánh nâu, cái quần hai màu sửa soạn để đóng vai người con của chinh phụ. Tôi lóng ngóng qua lại chờ đám khán cả đầu tiên đến. Một cô bé bế em, tay kia bưng chén cơm vừa đút vừa dỗ là vị khán giả đến sớm nhất. Khi vầng trăng lưỡi liềm đến ngang đỉnh đầu thì trước sân khấu đã rộn rịp trẻ nhỏ. Chúng chạy đùa la hét giỡn hớt. Tôi có phận sự giữ không cho chúng lên sân khấu và gõ vào thành xe. Vài đứa nhìn nét mặt trát đầy son phấn của tôi với vẻ khâm phục và ao ước. Trong thoáng chốc, thấy mình lớn lên, hãnh diện.
Vài ba người lớn đã lục tục kéo đến. Đầu tiên là các bà già, rồi mới đến đàn ông, những người ở quanh xóm gần nơi chúng tôi dựng sân khấu. Họ ăn trầu, nói chuyện om sòm. Mẹ tôi đã hóa trang xong. Bà vòng ra đứng cạnh tôi nhìn xung quanh, lẩm bẩm một mình.
- Đông quá. Liệu cũng được bạc ngàn đấy. Mỗi người chừng bốn năm chục, trẻ con mười, mười lăm đồng.
Mà đông thật. Trẻ con bao quanh sân khấu. Người lớn mé ngoài. Có người ngồi sụp xuống cỏ. Có người mang theo cả ghế ngồi. Tôi cũng thấy lòng mừng mừng, vui vui. Sau ngót hai ba tháng nghỉ hát hoặc họa hoằn vài người đến xem vội vã, hôm nay, tôi mới được nhìn lại quang cảnh nô nức quen thuộc. Tiếng đờn của bác Bảy Viễn bắt đầu báo hiệu màn sắp mở. Người lớn ngóng nghe giữa tiếng ồn ào của bầy trẻ nhỏ. Chắc ba tôi sắp sửa ra sân khấu nói vài lời phi lộ. Hồi trước, thường thường trước khi vô tuồng, ba tôi thường đứng ra giới thiệu đào kép, tên vở tuồng, tóm tắt sơ lược câu chuyện trừ cái đoạn kết. Còn hồi này, hát giữa đồng trống, ngoài trời, ngoài những chi tiết thường lệ trên, ba tôi còn thêm vào mục quyên tiền trước khi vở hát bắt đầu để thay thế vé mua. Bao giờ ông cũng định giá tối đa, và giá tối thiểu, rồi kết luận bằng một câu: tùy hảo tâm của bà con cô bác. Thật tình ba tôi có nói cũng bằng thừa vì người coi hát nào cũng cho một số tiền tối thiểu, lòng hảo tâm của họ đã bị hạn chế, bởi đời sống chật vật khó khăn hiện nay, chứ không như hồi xưa. Ba tôi kể lại khi người còn nhỏ, những gánh hát còn được người ta say sưa xem, mỗi lần đào kép xuống một câu vọng cổ hoặc dứt một bài Lý con sáo là tiền thưởng từ dưới sân khấu bay lên như bươm bướm. Thời ấy hết rồi, xa rồi.
Một tiếng trống ra hiệu nhỏ. Tôi kéo màn. Ba tôi bước ra sân khấu trong lớp hoá trang người chinh phu. Ông cúi đầu chào mọi người:
- Kính thưa bà con cô bác...
Đám khán giả vẫn ồn ào. Có vài tiếng chửi thề, la lối của mấy gã thanh niên nóng tính.
- … bà con muốn cho bao nhiêu cũng được, tùy lòng hảo tâm của quý bà con cô bác. Kính chào quý vị.
Tiếng vỗ tay lẻ tẻ. Tôi kéo màn. Mẹ tôi dúi cho tôi cái rổ để đựng tiền. Tôi mang rổ vòng ra phía bìa ngoài vì nơi đó có nhiều người lớn. Tiếng trống dập dồn thúc giục. Chắc là do bác Tư Tình đánh. Tôi tiến đến một bà già đang nhai trầu và chìa rổ dọn một gương mặt tươi cười. Bà ngần ngừ trong một giây rồi móc túi bỏ vào rổ một đồng ken hai chục Tôi đi gần đến những người đàn ông...
- Ti vi có cải lương tụi bây ơi.
Tôi khựng lại. Một đứa nhỏ trạc bằng tuổi tôi đang kêu bạn.
Cả đám người quay lại. Có mấy người hỏi to:
- Mở ti vi rồi hả. Ti vi sửa rồi à?
- Tuồng gì vậy? Gánh nào?
- Cải lương có Bạch Tuyết, Hùng Cường...
Mấy đứa nhỏ đứng dậy la lên:
- Dạ lý hương tụi bây ơi. Bạch Tuyết, Hùng Cường, có đánh kiếm nữa.
Hai đứa, rồi ba đứa, rồi một rừng người đứng dậy, chúng đổ xô chạy về phía trụ sở xã. Người lớn ngồi ngại ngùng nhìn nhau. Có mấy bà đứng dậy, cuối cùng họ cũng kéo nhau theo mấy đứa nhỏ. Kể cả những người đã mang ghế đến, bây giờ họ cũng mang ghế đến chỗ đặt ti vi chung cho xã. Chiếc rổ quyên tiền của tôi sững sờ trong tay. Tôi ngơ ngác nhìn theo đám đông kéo nhau đi. Những tiếng la xa dần, và vọng lại đâu đó những tràng cười nói. Bãi cỏ nát rộng trống. Chỉ còn bà già trót bỏ tiền vào rổ còn ngập ngừng ở lại với đứa cháu nhỏ. Đứa cháu lúc lắc tay bà đòi:
- Bà... coi ti vi đi bà. Coi Bạch Tuyết, Hùng Cường bà.
Bà già ý hẳn tiếc hai mươi đồng mà cũng chẳng nhẽ lấy lại nên ngần ngừ:
- Ừa...
Ba tôi đã đến sau lưng tôi. Tôi quay lại. Tiếng đàn của bác Bảy Viễn đã im bặt. Bác Tư Tình trong lốt hóa trang, bộ râu chổi xể chiếm gần hết gương mặt đang đứng ngó sửng ba tôi. Trên sân khấu, tấm màn được khoát ra. Mẹ tôi ngồi ôm mặt bất động. Lòng uất ức, tôi ngã đầu vào lòng ba tôi mặc cho nước mắt tuôn trào.
- Bị cái ti vi diễn tuồng hay chớ tụi tui cũng muốn coi lắm chớ. Thôi chú chờ ngày mai đi. Mai ti vi không có cải lương chắc có người coi.
- Tụi cháu xui quá bác ơi.
Ba tôi nói giọng run run vì nghẹn ngào, buồn bực.
- Chắc cái mửng này hổng có hát hò gì được. Thôi tui về. Mấy chục bạc cho cháu nhỏ nó uống nước. Tội nghiệp…
Bà cụ bỏ đi. Ba tôi vuốt lưng tôi nhè nhẹ. Người nói nhỏ như tự nói với mình:
- Cái số trời bắt cực, không tránh được. Thôi, cũng đành...
Ba tôi dìu tôi ra xa. Bác Tư Tình ngồi bó gối. Bác Bảy dựng cây đàn thẫn thờ. Mẹ tôi đã ra ngồi sau xe từ hồi nào. Tôi nghe tiếng mẹ tôi nấc nhè nhẹ.
- Thôi em ạ. Đừng buồn để ngày mai mình kiếm cách... Lo chi, trời sanh voi sanh cỏ mà...
Ba tôi bỏ ra phía trước, người gỡ mấy tấm phông, thổi tắt cây đèn măng sông, nói với bác Bảy và bác Tư, giọng uể oải chán chường:
- Anh Bảy với anh Tư phụ tui dẹp mấy cái này. Mai hãy hay.
Đêm đó, chúng tôi không có nồi cháo khuya như mọi khi. Tôi gối đầu trên vai mẹ, lòng bồn chồn không ngủ được. Tô hủ tiếu. Con gà thịt vàng lườm mới đây còn là giấc mơ sắp thành sự thật. Tôi đã ngửi thấy mùi cay của tiêu, mùi thơm của thịt, vị ngậy của nước dùng. Ấy thế mà giấc mơ đã chóng tan. Bụng lép xẹp. Con gà luộc xa vời với những sợi hủ tiếu trắng phau không tưởng.
Trong đêm khuya.
Nghe gió lạnh sẽ lùa qua hiên...
Giọng bác Tư Tình buồn bã như tiếng than van cất lên trong đêm vắng vẻ. Sao trên trời rung rung. Mặt trăng đang ở về phương tây trải ánh sáng nhẹ nhẹ mơ hồ như có khói.
Tiếng đàn của bác Bảy Viễn cũng hòa theo. Nửa chừng, bác bắc qua bản Nam Ai não nuột. Bác Tư không hát nữa, chỉ còn tiếng đàn của bác Bảy buồn như giọt mưa khuya. Tiếng đàn theo gió chảy loãng ra trong không gian tràn vào lòng người man mác. Tôi ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật trễ. Nắng đã lên cao, trời xanh mát dịu như một dải lụa mềm. Mẹ tôi và ba tôi đã đi đâu mất. Bác Tư Tình, bác Bảy Viễn đang rửa chân bên cái lạch nước nhỏ để dẫn nước vào ruộng. Tôi lười biếng chưa muốn dậy. Tấm mền nâu mỏng ươm hơi hâm hấp nóng. Tôi đẩy mền sang một bên. Cơn gió nhẹ vờn trên mấy ngọn lúa non bò vào xe mơn man trên da tôi thoải mái. Tôi trở mình. Một cảm giác nôn nao trống rỗng, lúc đầu hiện diện nhẹ nhàng, nhưng sau đó trở nên khó chịu lạ lùng. Bụng đang nôn nao bỗng cồn cào. Không muốn nằm nướng thêm nữa. Tôi trỗi dậy trong tư thế ngẩn ngơ vì thấy thiêu thiếu một cái gì. Tôi bước xuống xe. Bước chân say say như người mơ ngủ. Tôi kêu nhỏ một tiếng trong cổ họng. Lạ thật. Đâu phải tôi đau. Không, tôi đâu có đau ở đâu đâu. Thế sao tôi vẫn cảm thấy khó chịu quá đi mất.
- Kem cây đây... Kem cây đây...
Bụng tôi nhói đau, một chút nước miếng tràn ra qua kẽ răng. Tôi nhớ ra rồi. Tôi chưa ăn sáng, tôi bị đói bụng. Hồi hôm qua tôi chỉ được ăn có hơn một chén cơm đầy. Tưởng rằng tôi có cháo khuya như thường lệ. Ấy mà không. Cho nên bây giờ tôi đói muốn xỉu. Tôi thấy thèm một khúc bánh mì thịt. Những miếng thịt đùi đỏ hồng cuộn cứng. Những sợi cải nhỏ trắng phau, chua chua kèm miếng dưa leo xanh mát. Thèm bánh mì xong, tôi lại thèm tô hủ tiếu mơ ước bấy ngày nay.
- Sáng nay hổng có cái gì ăn nên thằng Hiệp ngó bộ muốn xỉu.
Tôi ủ rủ như con gà bị nước:
- Mẹ có để cái gì cho tui không bác Bảy?
- Có để cái roi.
Tôi thấy tức tức ở ngực. Nước mắt muốn ứa ra.
- Bộ hổng có gì ăn sáng thiệt hả bác Tư?
- Thôi, ráng nhịn đến bữa trưa luôn. Tiền đâu mà ăn sáng? Để gạo nấu trưa chớ ! Cái đoàn hát mình đến cái thời kỳ mạt vận rồi.
Nói xong câu đó, bác đổi giọng ngâm i ỉ:
Anh hùng mạt vận lạc đường gươm,
Ngựa chết yên cương cũng não nùng,
Tiếng thét vang xưa hề đã mất, ……
- Thôi bỏ đi, buồn thấy mồ mà còn ngâm với nga.
Bác Bảy gắt nhẹ rồi kiếm một chỗ trên bờ cỏ ngồi bó gối. Tôi không dám hỏi câu nào nữa mặc dù bụng càng lúc càng cồn cào khó chịu.
- Hiệp, cho mày gói đậu phọng ăn đỡ nè. Của tao để dành nhậu đó mậy.
Tôi đỡ lấy gói đậu một cách miễn cưỡng. Tôi không thích đậu mà chỉ thích cái gì mặn mặn thôi.
- Má mầy về kìa Hiệp.
Tôi mừng rỡ phóc xuống xe, chạy ra đường. Má tôi xách đầy một gói đồ ăn. Tôi thấy có cá khô nhỏ, có gạo, có muối, có nước mắm. Thứ gì cũng nhiều quá. Mẹ tôi xách cả hai tay. Tay kia tôi thấy có một trái bắp nóng. Cái bụng thấy đồ ăn càng đòi hỏi dữ. Tôi nói với mẹ, nũng nịu:
- Con đói muốn chết, mẹ à...
Mẹ tôi đưa trái bắp cho tôi. Nhưng mặt bà không vui như thường ngày. Tôi mải ăn quên không hỏi tại sao mà mua đồ ăn nhiều như vậy? Và ba tôi đi đâu mất dạng từ sáng đến giờ? Buổi ăn trưa ba tôi cũng không về. Câu hỏi được đặt ra và má tôi giải thích. Thì ra lúc sáng tinh mơ, ba tôi gặp một người bạn chạy xe vận tải ngang qua. Trông thấy ba tôi, anh ta mừng lắm vội mời ba tôi đi ăn, đi uống. Ngoài ra còn gởi cho tôi năm trăm đồng. Chả là vì hồi ba má tôi mới lấy nhau, ba má tôi đã giúp đỡ anh ta rất nhiều. Tên anh ta là Thuận. Mẹ tôi nhân lúc túng cùng không từ chối được, và bà đã lấy tiền đó để mua thực phẩm cho cả đoàn. Bác Bảy và bác Tư cứ tấm tắc khen mãi con người tốt bụng. Khen đã, bác lại cảm ơn trời cao có mắt, tổ đãi con cháu cải lương. Trời sanh voi sanh cỏ. Bữa cơm đã xong, ba tôi vẫn chưa về. Mãi đến khoảng bốn giờ chiều ba tôi mới về kéo theo ông bạn cũ: ông Thuận. Cả hai đi trên chiếc xe vận tải to lớn có mui vòm kín. Ba tôi và ông Thuận còn tiếp tục nói chuyện một hồi lâu rồi mới chia tay. Lúc ấy trời đã dịu nắng. Một vài đứa trẻ bắt đầu bồng em thơ thẩn đến gần chúng tôi. Ba tôi xua chúng đi và bảo hôm nay không có hát xướng gì cả. Bác Bảy ngạc nhiên hỏi chuyện:
- Ủa, thiệt hả anh Hưng? Hổng hát lấy gì ăn cơm?
Giọng ba tôi trầm ngâm:
- Ở miền này, có hát cũng không kiếm đủ tiền ăn cháo đâu anh Bảy à. Nhưng thôi, để ăn cơm xong tui nói chuyện cho nghe. Tôi đã tính rồi. Đã ngót thì phải nghét.
Thế rồi ba tôi trầm ngâm, không nói thêm gì nữa. Bữa cơm diễn ra trong im lặng. Không ai nói với ai câu nào dầu bữa cơm hôm nay khá ngon. Có cá khô chiên, có canh mồng tơi, có rau muống xào mỡ. Chưa có bữa cơm nào tươm tất kể cả nửa năm nay. Tôi cắm cúi ăn lấy ăn để vì chỉ sợ hết phần. Nồi cơm trở nên quá bé. Đồ ăn thì sao mau vơi thế. Đến chén cơm cuối cùng, chén cơm ráng tôi mới nhai kỹ, chậm rãi, mới nghĩ đến bài học vệ sinh khi ăn uống mà ba tôi đã dạy cho tôi.
- Anh nè, anh Thuận ảnh bàn chuyện đó, anh hỏi ý kiến anh Bảy và anh Tư đi. Bề gì cũng cùng sống cùng chết với nhau mà.
Bác Bảy lia đũa đánh soạt một tiếng xuống mâm:
- Có chuyện gì anh Hưng cứ nói, mình thông cảm nhau quá mà. Khó khăn thì ai mà chẳng gặp lúc khó khăn. Đừng ngại gì hết, tui nói thiệt chớ anh đi đâu là tui theo đó. Có cơm thì ăn cơm, có cháo thì ăn cháo. Cùng lắm thì nhịn. Mà trời có mắt đâu để mình phải chết đói. Trừ ra cái số chết vậy thì không nói.
Bác Tư cũng tiếp theo:
- Anh Bảy nói trúng ý tui đó. Thiệt đến lúc mình phải tính cùng lắm là bỏ nghề làm việc khác chớ. Trừ phi vợ chồng anh Hưng bỏ tụi tui chớ tụi tui nhứt quyết theo vợ chồng anh.
Ba tôi cười xòa, giọng vui:
- Cha chuyện gì mà hai người nói nghe bắt ghê. Bỏ với không bỏ. Tui nói đây là nói đến chương trình làm việc sắp tới của mình.
- Anh nói quách chuyện đó ra cho rồi chớ anh Bảy với anh Tư sốt ruột lắm đó.
- Đây chuyện như thế này. Anh Tư, anh Bảy biết đó, suốt cả nửa năm nay, mình không thu được xuất hát nào cho ra hồn nữa. Chỗ mình hát được là ở làng xã nhỏ, thì bây giờ súng đạn dài dài, đêm thì sợ sệt ai còn bụng dạ nào mà coi hát. Rủi thình lình có chuyện gì thì sao. Còn ở những vùng an ninh như ở đây, thì mình cùng đành chịu. Mấy đoàn hát cỡ trung trung cũng thường mò xuống quận, mà đây ra quận thì nhiều nhít gì, cỡ mười đồng xe lam là tới nơi. Lại còn chỗ nào cũng có ti vi truyền hình, thiên hạ coi ở đó chớ công đâu ngồi ở đồng không, tốn tiền còn phơi sương.
- Tựu trung lại là ở đây hết chỗ làm ăn.
- Cả miền Nam này không có chỗ cho cái đoàn hát cà rịch cà tang của mình đâu. Bây giờ chỉ có một nước...
Bác Bảy cướp lời:
- Cái điệu này là anh định đi Trung phải không?
Ba tôi gật đầu:
- Đi Trung mới sống nổi, chớ ở đây kẹt lắm. Tui hỏi anh Thuận, anh Thuận cũng đồng ý như vậy còn khuyến khích mình nữa. Ngày mốt đây, xe vận tải của ảnh chở hàng đi Trung. Ảnh cho mình quá giang. Khi nào muốn về Sài Gòn lại, ảnh sẽ đưa mình về, bị anh chở hàng đi ra đi vô hoài.
Tôi ngẩn ngơ nghe ba tôi nói. Đi Trung. Trung là gì, ở đâu. Tôi nghe như một miền nào xa xôi lạ hoắc. Lại được đi xe to. Ơ thế còn xe của chúng tôi thì để đâu. Tôi buột miệng chen lời:
- Ủa vậy cái xe của mình cũng đi luôn hả ba. Ba khiêng bỏ lên mui xe bác Thuận như chở hàng vậy phải không ba? Mà đi Trung là đi tận đâu vậy ba?
Mẹ tôi nạt ngang:
- Để cho ba nói chuyện. Con nít cứ xen vô chuyện người lớn hoài.
Tôi ngồi im thin thít.
- Ừa, còn cái xe làm sao anh Hưng? Lại tiền đâu mà đi Trung, tiền ăn, tiền này tiền nọ.
Ba tôi chậm rãi:
- Tôi tính hết trơn hết trọi rồi. Các anh đừng lo. Cái xe mình hết dùng được, bề nào cũng đi xa. Tui nhận lời bán cho một tiệm buôn các chú do anh Thuận giới thiệu. Họ nhận mua còn đòi coi xe mới trả tiền. Tiền đó ra Trung mình lo việc chuyên chở về làng làm ăn. Nghe anh Thuận nói ở ngoài đó, quận thường thường trung trung thích coi cải lương lắm. Mấy đại ban đâu có đi xa, có ra Trung thì tiền vé cũng mắc, nên coi mòi mình có ăn lắm. Với lại ti vi ở ngoải cũng không nhiều như trong này.
Bác Bảy trầm ngâm:
- Anh liệu có đi được không, xa quá, lạ nước lạ cái.
Ba tôi cười buồn:
- Chớ bộ ngày xưa anh không đi Trung sao? Mấy lần rồi?
- Có đi Huế, đi Qui Nhơn. Nhưng ở tỉnh. Mà lúc trước khác, bây giờ khác.
Ba tôi trấn an mọi người:
- Tôi hỏi kỹ anh Thuận tình thế rồi. Chuyện đến như bây giờ. Ở đây cũng không làm ăn nên nổi. Mình liều một phen. May ra có tiền về lại xứ sở mở tiệm buôn bán dưỡng già, chớ ngó bộ tụi mình già cả hết rồi.
- Đi hết mấy ngày đường hả anh Hưng?
- Nghe nói độ một tuần. Cứ một tháng xe anh Thuận ra vô một lần. Đừng lo, có chuyện gì mình lại quá giang xe trở về. Thôi, bây giờ mình sửa soạn đồ đạc lần lần, gói lại cho kỹ càng, nhất là mấy tấm phông cảnh. Ngày mai, có người tới mua xe. Giá được xong xuôi, mình lên xe vận tải của anh Thuận ở chờ mốt đi sớm.
Thế là buổi họp tan. Tối hôm đó, tôi nằm tưởng đến chuyến đi sắp đến với bao nôn nao. Tôi tưởng tượng, cố tưởng tượng. Nhưng trí óc nhỏ bé của tôi chỉ nghĩ được những đống rơm, những cánh đồng xanh mát. Điều quyến rũ tôi nhất là được nằm trên chiếc xe to lớn, khỏi phải làm gì cả và có đầy đủ thức ăn. Thế nào bác Thuận lại chả dành cho tôi một cái bánh hoặc một thỏi kẹo nhỉ?

- o O o -

Chuyến đi dài thoáng qua như giấc mộng. Những cảnh sắc mới, những địa thế mới mở ra trước mắt tôi. Cái gì cũng khác cũng lạ không giống như quang cảnh miền quê của miền Nam. Tôi biết thế nào là miền Trung. Chuyến xe đã chở đoàn hát chúng tôi nuốt biết bao cây số đường. Mỗi cảnh mỗi miền ba tôi đều chỉ dẫn cho tôi từng ly từng chút theo sức hiểu biết của người. Tôi như lớn lên, lòng như trải ra để đón nhận. Mặc dù gương mặt mẹ tôi luôn luôn ưu tư, mặc cho bác Tư, bác Bảy thỉnh thoảng ngân nga câu vọng cổ hoài tình buồn não nuột. Miền Trung, là lúa không xanh thẫm, là đất không ướt nước, là núi, là rừng, là đèo, là những món ăn mặn chát muối, là những món ăn ngọt như mía, tanh cá biển, là những người dân nghèo nàn, có giọng nói lạ lùng. Chiếc xe lớn của bác Thuận thả chúng tôi giữa những chiếc xe hàng chở khách nhỏ. Và không để mất một giây nào, ba tôi lại ra hiệu cho mọi người làm một chuyến đi khác nữa, lần này những cây kẹo của bác Thuận đã ra vời tôi rồi.
Chúng tôi đến nơi đã định vào lúc giữa trưa. Nắng cháy cây cháy cỏ. Nắng bỏng rát như muốn đốt vàng mái tóc hôi nắng của tôi, như muốn làm bỏng hai bàn chân trần không thích mang dép của tôi. Mẹ tôi kêu lên:
- Chèn ơi, cái xứ nóng gì mà nóng muốn thấy tía luôn.
Buổi trưa, cái quận nhỏ nơi chúng tôi đến im lìm. Đồ đạc cồng kềnh. Ba tôi sắp tôi đứng lại giữ đồ còn chia phiên cho mọi người làm việc. Mẹ tôi phải chạy vào chợ mua một ít rau cải để ăn trưa lấy sức. Bác Tư, bác Bảy kiếm một chỗ trống ở quận để dọn sân khấu. Ba tôi đi đến chi hành chánh để xin phép được trình diễn ở quận.
Mọi việc liên tiếp xảy đến như một cái thoi cửi. Tôi ngẩn ngơ xoay vòng theo cái đà làm việc của mọi người. Được sự hứa hẹn giúp đỡ, ngoài ra, chúng tôi còn được phép hát tại nhà hội họp của quận. Ngần ấy làm ba tôi và mọi người phấn khởi, nôn nao. Mẹ tôi cứ soạn sửa mãi những bộ đồ hát đã bị mốc bởi lâu ngày không dùng đến. Ba tôi trích ra một ít tiền để mua sơn màu làm lại những tấm phông đã bạc phếch. Bác Tư, bác Bảy dượt lại những đoạn hát khá, những bài vọng cổ cho thật mùi. Lần đầu tiên ra mắt bà con, mình phải hát hay để bù lại chỗ thiếu đào kép. Ba tôi nói vậy. Người có vẻ hơi lo âu vì trang phục và phông cảnh, màn không đủ để che lấp cho kín sân khấu bởi nhà hội họp cũng khá rộng. Mà thật thế, những tấm phông của chúng tôi đặt lên trông buồn cười, nó thiếu cả bề cao lẫn bề rộng. Sân khấu của chúng tôi chỉ đặc dụng ở ngoài trời.
Nhưng nhờ tính biết thích ứng và tháo vát của mọi người, cùng sự giúp đỡ, chúng tôi có được một bức màn trắng để lót phông cho sân khấu. Ba tôi dùng sơn màu phết vội vài mảng xanh trắng làm tạo nên bầu trời mùa hạ. Một chút xanh lá cây ở góc tạo nên cây cỏ cho sân khấu. Thế là tạm xong.
Suốt mấy tháng nay, bây giờ là lần đầu tiên, chúng tôi lôi ra cuộn biên lai cũ làm vé hát. Và cũng lần đầu tôi nhìn thấy những thúng hàng quà đủ loại dưới ánh đèn. Người lớn, con nít, phần đông là giới lao động làm ruộng, chen lấn, vào ngồi trên những chiếc ghế dài. Những gương mặt nghếch lên nhìn cái sân khấu nghèo nàn của chúng tôi. Cũng may, quận miền Trung cũng nghèo nàn, bé nhỏ, dân chúng cũng lam lũ và đoàn hát dạo của chúng tôi trở thành anh chột trong thế giới người mù.
Những giọng nói trọ trẹ khó nghe, nhưng lại nghe được rất thành thạo những giọng hát câu hò của chúng tôi. Buổi hát đầu tiên đầy khích lệ. Cả đoàn ra công trình diễn thật xuất sắc. Ba tôi cố gắng tận dụng những tiểu xảo của người trong việc đổi vai nhanh chóng.
Cuối cùng, khi màn hạ xuống. Chúng tôi thở phào trút tất cả mệt nhọc nhưng lòng thì khoan khoái hân hoan. Tôi giúp má tôi cởi chiếc áo hoàng hậu lấp lánh kim tuyến. Vài đứa trẻ còn luyến tiếc ngóc đầu nhìn vào, chọc ghẹo tôi:
- Ơ, cái anh nớ, Hoàng Tử con nít…
Buổi cháo khuya vui vẻ không khi nào bằng. Bà hàng quà muộn còn trong rổ hai trái ổi xanh. Tôi nhìn thèm rỏ dãi. Mẹ tôi mua rẻ cả hai rồi trao cho tôi. Tôi chỉ ăn được nửa chén cháo. Còn để bụng nhá ổi.
Nửa đêm hôm đó, tôi đau bụng quá sức. Trái ổi hành tôi. Mẹ tôi nói vậy. Bà lấy một ít rượu gừng đánh gió và dầu lửa thoa trước bụng cho tôi. Nhưng cơn đau vẫn không dứt. Đến khi cơn đau chỉ còn là những cơn quặn liên tiếp tôi buồn đi cầu không nín được. Bác Tư ngồi dậy dắt tôi đi về phía sau, cách một dãy nhà đến một cánh đồng trống với những bụi nhỏ kín đáo. Đã quen với lối đi như thế này tôi không sợ hãi gì cả. Bác Tư để tôi đó và trở về tiếp tục giấc ngủ.
Sau khi những chất ứ đọng trong bụng được tống ra hết. Cơn đau bụng cũng chấm dứt. Tôi khoan khoái bước từng bước nhỏ trở về nhà. Cảnh tượng buổi chiều, và những điều vui suốt ngày nay vẫn còn làm tôi khoan khoái. Tôi lại nhớ đến tô hủ tiếu và băn khoăn không biết ở đây có bán hủ tiếu không.
- Vút… ầm...
Trong giây thảng thốt cuối cùng, tôi chỉ ghi nhận được một vệt sáng lửa kèm theo tiếng rít khủng khiếp, rồi đến tiếng nổ kinh hồn đến tức ngực. Chân tôi không vững, mắt tối đen. Tôi như bị hỏng chân nhẹ hều trong bầu không khí ngạt ngụa, nhức nhối, đinh tai và không biết gì nữa. Khi tỉnh lại tôi mơ hồ thấy mình nằm cạnh nhiều người trong bầu trời tối đen như căn phòng kín. Mặt đất ẩm thấp mùi cỏ mùi đất. Tôi quờ quạng:
- Mẹ… mẹ...
Có tiếng nói, giọng đàn bà, không phải tiếng mẹ tôi:
- Thằng nhỏ tỉnh dậy rồi, chắc bị tức ngực. Ông ra coi thử, ngó bộ im rồi.
- Khoan đã, để coi có chi không, ra bây chừ dễ sợ lắm. Rủi mô không biết, mắc công...
Cả hai giọng đều không phải giọng nói quen thân của ba của mẹ. Tôi chợt thấy sợ hãi vô cùng. Nước mắt ứa ra. Tôi nhỏm đứng dậy:
- Ba ơi… Bác Tư... Bác Bảy...
Có cánh tay mạnh mẽ lôi tôi nằm xuống:
- Để yên đã rồi bác cho lên.
Cùng lúc đó, tiếng chân người chạy rầm rập, rồi có ánh sáng đỏ lửa hắt vào hầm. Tiếng người đàn bà kêu thảng thốt:
- Chết cháy nhà, ra đi ông...
Bà bò ra trước. Người đàn ông lôi tôi ra theo. Ngôi nhà bà không cháy, nhưng cách đó một khoảng, lửa bốc cháy. Tôi vẫn còn ngẩn ngơ trong cơn khiếp sợ đến cứng người. Lúc bây giờ, người chạy kẻ la đã tấp nập cả khoảng đường, áng cả tầm mắt. Hai vợ chồng lạ còn dắc tay tôi hỏi vọng ra đám người chạy qua:
- Trúng mô đó hả chị Tám? Răng gan quá, không biết có chữa tắt được không? Mụ vô lo coi đồ đạc đi. Nhà cháy đến nơi chạy không kịp đó. Để tui lấy gàu đi chữa với người ta.
- Cháy ở nhà họp ông Thân ơi. Tội nghiệp, có cả đoàn hát hồi chiều ngủ ở đó mà.
Tôi rụng rời cả tay chân. Trời ơi ! Ba tôi, mẹ tôi, bác Tư, bác Bảy. Tôi hét lên một tiếng xô nhào mọi người chạy lại. Ông Thân chạy theo. Mọi người đứng nhìn ngơ ngác:
- Ủa con ai đó tề? Con ai đó chị Thân?
- Tui đâu có biết. Hồi hôm lúc chạy ra hầm, thấy thằng nhỏ bị văng ở miệng hầm, ông nhà tôi bèn kéo xuống hầm. Cha ! Rớt trúng nhà họp. Có trái nào rớt trúng ở mô nữa không biết. Thiệt là tai họa.
Tôi cắm đầu chạy miết. Những bước chân cứ chồng chất lên nhau, vướng víu nhau. Bước chân run. Bước chân tê dại. Tôi vấp ngã cả chục lần. Trước mặt là đám cháy. Thật tình đám cháy không lớn lắm chỉ bừng bừng lên không quá đầu đám người đang lố nhố vây quanh. Tôi cầu mong ba mẹ không hề gì. Tôi cầu mong thấy bóng dáng ba mẹ đang đứng, đang tìm tôi, đang cười mừng nhìn tôi chạy đến. Những gương mặt lạ ửng bên ánh lửa hồng xa lạ quá. Tôi đâm nhào vào hàng rào. Bước chân tôi lúc đó mới ngưng lại. Những rương đồ tung tóe ở trên nền nhà. Căn nhà sụp nát lồ lộ. Tôi kêu lên nghẹn tiếng:
- Ba ơi, mẹ ơi… Ba ơi... Mẹ ơi... Ba mẹ ơi...
Một người nắm chặt lấy vai tôi giữ cho tôi khỏi xông vào chỗ cháy. Có giọng vỗ về:
- Đừng khóc con, chắc không bị chi mô.
Một bóng người loáng trước mặt tôi.
- Em này là ai đây?
- Dạ thưa ông, thằng nhỏ này là con của cặp đào kép đoàn cải lương mới tới đó…
Người đàn ông chắc lưỡi:
- Tội nghiệp... Còn... Thôi, bác đưa đứa nhỏ ra phía đầu kia đi, tránh cho nó khỏi xúc động.
Linh cảm một cái gì lớn lao, thiêng liêng vừa mất. Tôi nhất định không đi, trì kéo lại. Vừa lúc đó, hai người đang khênh một bóng đen từ trong ngôi nhà họp chạy ra:
- Tránh chỗ, tránh chỗ, người chết.
Đám đông giạt ra. Tôi thừa cơ hội chạy vụt đến. Cái xác cháy đen. Nhưng ánh lửa hắt lên gương mặt còn toàn vẹn của xác chết đủ để tôi hãi hùng đến gần ngất đi. Ba tôi. Đôi mắt người mở trừng trừng. Tôi ôm mặt, nước mắt chảy như suối dù tôi không còn biết là mình đang khóc. Một xác nữa, rồi một xác nữa. Không phải mẹ tôi. Còn mẹ tôi, mẹ tôi. Tôi la lên, tôi giẫy chân giẫy tay trong vòng tay chặt cứng như hai cái gọng sắt của ông Thân. Tôi lăn lộn vùng vẫy rũ rượi, đến hết hơi, đến khan cổ, đến ngừng tiếng. Công việc cứu cấp vẫn còn tiếp tục:
- Tránh xa, đem đến bệnh xá ngay, có người bị thương còn sống.
- Mẹ... Mẹ... Tôi la lên, chòi đạp.
Ông Thân bế bổng tôi lên tay chạy theo người bị thương.
Mái tóc dài rối tung. Đúng là mẹ tôi rồi. Mẹ tôi còn sống.
Ông Thân vỗ về:
- Để bác bồng con đi theo. Đừng có đạp. Chắc không có bề gì mô. Để họ đưa cho y tá băng bó.
Tôi ngóng theo chiếc băng ca, trên đó mẹ tôi im lìm bất động. Trong rừng tiếng la ồn ào, tôi nghe như có tiếng rên đau đớn của mẹ. Tiếng rên xoáy vào trong tim, trong óc. Xé rách ruột gan tôi trong nỗi đau không có lời nào bày tỏ nổi. Trước bệnh xá đã có một đám người tụ tập sẵn. Bầu trời vẫn còn mờ mịt trong ánh sáng nhẹ nhàng của vầng trăng bạc trắng lưỡi liềm. Cái bóng sáng hắt lên mái tóc, vầng trán bóng lưỡng mồ hôi của mấy người cứu cấp. Chiếc băng ca chở mẹ tôi mất hút trong bệnh xá nhỏ bé. Ông Thân đặt tôi xuống. Lợi dụng mọi người đang lăng xăng tôi chạy vụt vào. Ánh đèn điện sáng làm tôi khựng lại. Người y tá không kịp mặc áo đang loay hoay bên tủ thuốc. Chỉ có một người y tá độc nhất. Tôi chạy vội đến bên mẹ. Bà đang chìm trong sự đau đớn của những vết thương bết máu. Máu đất bê bết. Tôi không dằn được kêu lên:
- Mẹ ơi... Mẹ đừng bỏ con nghe mẹ !...
- Trời ơi, ai cho thằng nhỏ này vào đây? Để người ta làm việc chớ.
Người y tá giận dữ lôi tôi ra. Tôi cố bám lấy chân giường chặt cứng. Đôi mắt mẹ tôi rung động he hé. Tôi la lên:
- Mẹ tôi tỉnh lại ông. Tôi lạy ông mà. Mẹ tôi... Con lạy ông cho con ở lại đây với mẹ con mà…
Tôi khóc to, giọng nói líu ríu trong lưỡi chìm trong tiếng khóc. Người y tá chừng như mủi lòng không lôi tôi nữa. Vừa lúc đó, sau một tiếng rên lớn, mẹ tôi kêu nhỏ:
- Hiệp ơi !... Hiệp, con đâu rồi, Hiệp?…
Tôi la lên, vừa la vừa khóc:
- Mẹ… Con đây mẹ… Mẹ đừng bỏ con nghe mẹ...
Mẹ tôi không trả lời nữa. Bà chìm ngất đi, không biết gì nữa. Người y tá nắm lấy tay tôi dịu dàng:
- Để bác làm việc, chữa chạy cho bà. Chớ cậu cứ bíu lấy làm sao. Để bà ấy mất máu nhiều nguy hiểm lắm. Đi ra ngoài độ nửa tiếng nữa thì bác cho vô.
Tôi quay lại năn nỉ:
- Con lạy bác, bác cứu sống mẹ con với… Mẹ...
Tôi thụt lùi ra cửa. Ông bà Thân đã chực sẵn, lôi tay tôi hỏi dồn:
- Mẹ cháu tỉnh chưa?
Tôi lắc đầu khóc nức lên. Bà Thân dịu dàng:
- Ra đây cháu, để chút nữa rồi vô. Chắc không hề chi mô. Tội nghiệp, mới từng ấy tuổi đầu.
Có tiếng người nói:
- Còn nhỏ độ mười hai, mười ba tuổi chứ mấy. Nếu con chị mà còn sống chắc bây chừ hắn cũng lớn như rứa đó.
Bà Thân gục đầu buồn bã:
- Ừa, răng mà thằng nhỏ này hắn giống con tui ghê. Ngó bắt thương…
Tôi đứng đó. Không nghe, không thấy gì hết. Tôi chỉ nghĩ đến một điều là mẹ tôi không chết. Người ta sẽ cứu sống mẹ tôi. Còn ba tôi, bác Tư, bác Bảy… Những người đó không còn nữa. Những điều đó quá sức chịu đựng của tôi. Tôi quỵ hẳn xuống và ngất lịm...
Tôi tỉnh dậy sau đó, chắc không lâu lắm, bởi mọi người vẫn còn đứng ở phía trước cửa bệnh xá bàn tán. Ông bà Thân đứng nhìn tôi ái ngại.
- Thằng Hiệp... Hiệp ơi... Con ở đâu...
Tôi chạy bổ vào. Mẹ tôi đã tỉnh lại. Tôi quỳ gối để được nhìn sát vào mặt mẹ. Đôi mắt trắng lờ đờ của mẹ tôi nhìn quanh tìm kiếm. Tôi sờ vào mắt người để người biết có tôi bên cạnh và nói:
- Con, con đây mẹ. Mẹ...
Tôi lại bật khóc... Lòng quặn thắt, uất nghẹn.
- Anh Hưng ơi, anh đâu rồi...
Mẹ tôi kêu to, quờ quạng. Người y tá giữ tay mẹ tôi lại để bình nước biển không chao đổ:
- Bà cố nằm yên. Ông nhà và con bà không sao cả.
Mẹ tôi nằm yên. Mắt bà đã nhìn thấy được tôi. Gương mặt mẹ tôi tươi tỉnh, hy vọng hơn. Bà nhìn tôi chăm chú, miệng gần như mỉm cười, như muốn nuốt trọn hình ảnh của con mình vào lòng mắt.
- Ba con đâu Hiệp... Anh đâu rồi...
Câu hỏi nhắc đến ba tôi. Nước mắt tôi chảy dài. Tôi nấc lên. Mẹ tôi ngạc nhiên. Nhưng chỉ một thoáng. Bà linh cảm như có chuyện gì không hay xảy đến cho chồng, bà hốt hoảng:
- Chồng tôi chết rồi hả… Anh Hưng chết rồi hả… Ba con chết rồi hả...?
Miệng mẹ tôi há hốc để thở. Tôi không nít được vùi mặt khóc to. Không ai nói gì. Bệnh xá yên lặng chỉ còn tiếng khóc của tôi vang vang giữa bốn bức tường vôi trắng toát.
Được một lát sau, tôi thấy gương mặt mẹ tôi đã bình tĩnh trở lại. Trên đôi mắt thất thần của người, hai hàng nước mắt lặng lẽ chảy dài. Mẹ tôi âu yếm nhìn từ chân đến đầu tôi. Trước cử chỉ bi thảm đó, tôi lại khóc òa lên. Cả những người chung quanh cũng sụt sùi rơi lệ. Tôi muốn gào thét nhưng thật kinh khủng, tiếng hét của tôi uất nghẹn trong lồng ngực. Tôi gạt nước mắt để được nhìn thấy mẹ. Để không có cảm tưởng là mất mẹ. Ấy nhưng nước mắt cứ tràn bọc đầy hai mắt. Khối bông trắng trước mặt tôi mập mờ.
Mẹ tôi lại rên lên vì đau đớn. Máu từ vết thương rịn ra ướt đỏ. Những vết phỏng nhẹ trên cánh tay, trên má bây giờ đỏ ửng dưới ánh đèn. Người y tá nhìn ra ngoài trời bảo:
- Chắc phải đưa bà nầy lên bệnh viện tỉnh, chớ đây e bộ...
- Để tôi đi lấy xe…
Mẹ tôi hình như nghe được những câu bàn tán ấy. Bà nhìn tôi, nước mắt lại ứa ra, thều thào:
- Tôi không đi đâu hết... Làm ơn cho tôi… con tôi… Hiệp… Mẹ…
Mẹ tôi nói không ra hơi. Tôi quỳ sát áp má vào mặt mẹ. Nước mắt tôi và nước mắt mẹ tôi hòa trộn với nhau. Tôi nghe hơi thở bà yếu ớt nóng hổi. Mẹ tôi thầm thì bên tai tôi:
- Mẹ... Mẹ thương con… Hiệp ơi… Mẹ chết… chết...
Mẹ tôi im lặng, không nói gì nữa. Trong khoảnh khắc mơ hồ, tôi không cảm thấy hơi thở của mẹ phà trên mặt nữa. Hình như có một tiếng nấc nhẹ. Tôi lắng nghe. Bật người dậy, kinh hoàng thét lên từ vô thức:
- Mẹ ơi... Mẹ... Mẹ bỏ con.
Mắt mẹ tôi đã nhắm lại. Trên mi hai giọt nước mắt còn long lanh. Tôi nhìn kỹ. Gió tốc bay mép băng phơ phất như hơi thở. Người y tá để tay lên mũi mẹ tôi. Sợi tóc lặng yên trước mũi. Ông ta thở hắt một tiếng:
- Bà ấy đi rồi...
Đầu tôi choáng váng điên cuồng. Tôi ngất xỉu...
Về Đầu Trang Go down
 
Khúc Nam Ai tiếp theo
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Khúc Nam Ai tiếp theo
» Khúc Nam Ai tiếp theo
» Khúc Nam Ai tiếp theo
» Nữ Sinh tiếp theo
» Nữ Sinh tiếp theo

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Truyện Tranh - Truyện Cổ Tích - Tình Cảm...-
Chuyển đến